In bài này
Chuyên mục: Kiến Thức Y học

Trẻ sơ sinh bị trớ sữa lên mũi là hiện tượng bình thường ở các trẻ sơ sinh do dạ dày của trẻ nhỏ, bú nhiều hoặc do trẻ vừa ăn xong cử động mạnh. Tuy nhiên chúng ta cần phải để ý và quan sát hiện tượng này, nếu trớ nhiều sẽ dẫn đến bị sặc sữa.

Trẻ bị sặc sữa là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây ngừng thở. Nếu không được sơ cứu kịp thời, trẻ dễ bị tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị trớ sữa lên mũi và bị sặc sữaDo cơ thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên các van đóng mở ở cổ họng thông lên mũi hoạt động còn kém hiệu quả; Do vừa thở vừa bú thực hiện cùng một lúc dễ làm cho sữa bị trào ngược lên phần mũi; Do lượng sữa mà trẻ được cung cấp quá nhiều làm cho trẻ nuốt không kịp; Do trẻ đói quá lâu nên khi bú sẽ có phản xạ bú nhanh; Do trẻ không tập trung khi bú, bị ho, hắt hơi, cười hoặc nấc…

Khi trẻ bị sặc sữa lên mũi, cần thực hiện các bước dưới đây:

Cho bé ngồi thẳng dậy để đẩy phần sữa từ mũi ra ngoài. Chú ý lau sạch sữa để sữa không bám lên miệng mũi… cũng như các bộ phận khác trên cơ thể của bé.

Dùng miệng để hút sữa từ mũi và miệng của bé. Bước này được thực hiện khi bé vẫn cảm thấy khó thở và da có dấu hiệu tím tái.

Khi trẻ vẫn tiếp tục có dấu hiệu tím tái, khó thở thì cha mẹ hãy dốc ngược bé lên. Tức là lúc này đặt bé nằm úp trên cánh tay còn tay thì vỗ nhẹ nhàng sau lưng. Cách này giúp bé ọc được sữa ra ngoài và hít thở và bình thường.

Nếu các bước trên vẫn không có kết quả thì nên tiến hành ấn ngực. Lúc này bạn đặt bé nằm ngửa, dùng 1 tay giữ đầu, một tay ấn nhẹ và ngực để giúp bé hít thở.

Đưa bé đi cấp cứu nếu các bước trên không có kết quả khả quan.

Các biện pháp phòng tránh sặc sữa ở trẻ: Không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ; Không đùa với trẻ khi đang bú, khiến trẻ cười gây sặc; Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá (gập cổ sẽ gây khó nuốt, còn ngửa cổ thì dễ bị sặc sữa lên mũi). Phải cho trẻ bú từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những trẻ còn yếu, sinh non tháng. Ban đêm muốn cho trẻ ăn, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ lên bằng hai tay đặt trẻ ở tư thế thoải mái, lúc đó mới bắt đầu cho trẻ bú; Khi trẻ ho hoặc khóc thì phải ngừng cho bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng trẻ; Nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà trẻ chưa nuốt kịp, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

Với những trẻ không nuôi bằng sữa mẹ, phải bú bình cần chú ý đầu núm vú cao su không nên đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú. Khi cho trẻ bú, nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn. Khi phải dùng thìa đổ sữa vào miệng trẻ, cần đổ từ từ, khi trẻ nuốt hết mới đổ thìa khác, không vội vàng, tránh đổ tràn cả vào mũi trẻ.