Hệ thống Tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam là sự hài hòa giữa hình thức tổ chức quản lý Nhà nước theo tuyến hành chính từ xã lên tới huyện, tỉnh, khu vực và toàn quốc (Bộ Y tế) kết hợp với hình thức quản lý theo Chương trình, Dự án mục tiêu quốc gia.

Truy cập Hệ thông thông tin tiêm chủng Quốc Gia

Link: https://tiemchung.vncdc.gov.vn

Hệ thống tổ chức chung tiêm chủng mở rộng

Hệ thống Tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam là sự hài hòa giữa hình thức tổ chức quản lý Nhà nước theo tuyến hành chính từ xã lên tới huyện, tỉnh, khu vực và toàn quốc (Bộ Y tế) kết hợp với hình thức quản lý theo Chương trình, Dự án mục tiêu quốc gia.

Tiêm chủng mở rộng là Dự án mục tiêu quốc gia y tế. Cấu trúc hệ thống gồm Ban Điều hành và Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đặt tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Có 4 văn phòng TCMR khu vực đặt tại 4 Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur của 4 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Tại tuyến tỉnh có bộ phận chuyên trách TCMR nằm trong khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm hoặc khoa Dịch tễ thuộc Trung tâm YTDP của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Tuyến huyện có cán bộ chuyên trách TCMR nằm tại khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế của 696 huyện trên cả nước. Tại tuyến xã, Trạm y tế xã là đầu mối chịu trách nhiệm công tác TCMR ở 11.138 xã. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động của Dự án TCMR khoảng 5.000 người, gồm chủ yếu là cán bộ y tế và một số thành phần khác như nhân viên kỹ thuật, ngành luật, truyền thông, cung ứng dịch vụ vận tải... hoạt động ở tất cả các tuyến y tế trên cả nước.

Sơ đồ 1. Hệ thống tổ chức Chương trình TCMR ở Việt Nam

Các Ban quản lý Dự án TCMR và các cán bộ chuyên trách ở các cấp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch định kỳ và đột xuất, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động TCMR tại các tuyến từ trung ương, khu vực, tỉnh, huyện đến xã và cộng đồng.

Bộ Y tế chỉ đạo và điều hành công tác TCMR thông qua các cơ quan chức năng là Cục Y tế Dự phòng, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Cục Quản lý Dược và Ban Điều hành TCMR Quốc gia. Việc chỉ đạo và điều hành Chương trình tại từng địa phương cũng chủ yếu dựa trên hoạt động của các cơ quan Y tế dự phòng, Kế hoạch, Tài chính, Dược cùng cấp và bộ phận, cá nhân chuyên trách TCMR.

Hệ thống giám sát bệnh trong Tiêm Chủng Mở Rộng

Hệ thống giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm trong Chương trình TCMR có vai trò rất quan trọng, được thiết lập nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ chính:

- Cung cấp dữ liệu về tình trạng mắc, tử vong cùng với những đặc điểm về xu hướng và sự phân bố của tình trạng mắc, chết của 11 bệnh trong TCMR, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều chỉnh chiến lược đầu tư, nâng cao hiệu quả tiêm chủng cho từng bệnh thuộc Chương trình.

- Cung cấp, chia sẻ số liệu giám sát ca mắc và tử vong của 11 bệnh TCMR cho Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Quốc gia.

Sơ đồ 2. Hệ thống giám sát bệnh trong TCMR

Công tác giám sát bệnh truyền nhiễm trong TCMR đã và đang mở rộng phương thức giám sát ca bệnh trong đó các ca bệnh được điều tra theo phiếu, lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán phòng thí nghiệm. Hiện có các bệnh bại liệt, sởi, rubella đã triển khai giám ca bệnh sát dịch tễ và phòng thí nghiệm trên phạm vi toàn quốc. Riêng bệnh uốn ván sơ sinh chỉ tiến hành điều tra ca bệnh.

Bên cạnh đó, Chương trình đã thiết lập mạng lưới giám sát điểm các bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não màng não, hội chứng rubella bẩm sinh, tiêu chảy cấp do Rota tại một số địa phương và bệnh viện tuyến trung ương.

Hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng

Hệ thống giám sát PƯSTC trong Chương trình TCMR đã được thiết lập từ năm 2002 nhằm giảm các mối nguy cơ liên quan đến sử dụng vắc xin, phát hiện sớm để sửa chữa và phòng tránh những sai sót có thể xẩy ra, đáp ứng nhanh, có hiệu quả đối với các PƯSTC cũng như tuyên truyền có hiệu quả các thông tin cho cộng đồng.

Sơ đồ 3. Hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng

Hệ thống giám sát PƯSTC trong Chương trình TCMR đã được thiết lập từ năm 2002 nhằm giảm các mối nguy cơ liên quan đến sử dụng vắc xin, phát hiện sớm để sửa chữa và phòng tránh những sai sót có thể xẩy ra, đáp ứng nhanh, có hiệu quả đối với các PƯSTC cũng như tuyên truyền có hiệu quả các thông tin cho cộng đồng.

Hệ thống giám sát PƯSTC bước đầu đã có sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ sở điều trị (bệnh viện, phòng khám, trạm y tế) cũng như các cơ sở Y tế dự phòng khác. Tuy nhiên, cho tới nay các cơ sở  y tế tư nhân chưa được huy động tham gia đầy đủ vào hệ thống giám sát này.

Hệ thống cung ứng Vaccine và dây chuyền lạnh

Hệ thống cung ứng vắc xin trong dây chuyền lạnh thuộc Chương trình TCMR thực hiện các nhiệm vụ chính sau:

- Cung cấp thường xuyên, đầy đủ, đúng thời gian, đúng quy định về bảo quản vắc xin TCMR.

- Xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống “Dây chuyền lạnh” từ tuyến trung ương (kho vắc xin quốc gia tại Viện VSDTTƯ) tới tuyến khu vực, tỉnh, huyện, xã và từng điểm tiêm.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các chính phủ và tổ chức quốc tế, thường xuyên bổ sung, đổi mới các trang bị và kỹ thuật bảo quản, vận chuyển, cung cấp vắc xin tốt hơn trong dây chuyền lạnh.

Hệ thống này gần đây có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ sở điều trị (bệnh viện, cơ sở hộ sinh, trạm y tế) trong việc bảo quản, cung ứng vắc xin VGB và BCG cho trẻ sơ sinh.

Sơ đồ 4. Hệ thống dây chuyền lạnh trong TCMR

Hệ thống cung ứng vật tư tiêm chủng

Hệ thống cung ứng vật tư tiêm chủng trong Chương trình TCMR có các nhiệm vụ chính như sau:

- Cung cấp thường xuyên, đầy đủ, đúng thời gian các loại vật tư thiết yếu cho TCMR như  bơm kim tiêm, hộp an toàn, sổ sách, mẫu biểu, phiếu tiêm chủng cá nhân, tranh ảnh, áp phích hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về TCMR...

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế thường xuyên bổ sung, đổi mới các trang bị và kỹ thuật, cung ứng sản phẩm vật tư tốt hơn, an toàn hơn, tiện ích hơn cho TCMR.

Hệ thống này có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở quản lý vật tư, trang thiết bị y tế và cơ sở dược, nhà sản xuất vật tư y tế của tất cả các tuyến trên cả nước.

Nguồn: Hệ thống tiêm chủng mở rộng