Vloghealth xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về Sở Y tế Bắc Ninh để quý bạn đọc tiện tìm hiểu khi có nhu cầu. Sở Y tế Bắc Ninh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Địa chỉ: Đường Lý Thái Tổ, Suối Hoa, Bắc Ninh

Điện thoại: 0222 3822 419

Website:http://syt.bacninh.gov.vn/

Y TẾ BẮC NINH – 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

20 năm tái lập - chặng đường chưa dài nhưng cũng đủ để hiện hữu sự trưởng thành toàn diện của ngành Y tế Bắc Ninh. Từ một hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng sau 20 năm với bao nốt thăng, nhịp trầm của thời gian, đến nay ngành y tế Bắc Ninh đã có những phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những địa phương có chất lượng y tế cao trong cả nước.

Chia sẻ về những ngày đầu từ Hà Bắc chuyển quân về Bắc Ninh những năm 1997, dược sĩ Cao Hữu Sửu – Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, quân y tế từ Hà Bắc về lúc đó chỉ có 19 người, Sở phải ở nhờ 1 dãy nhà của BVĐK cũ, một loạt các đơn vị mới thành lập cũng đều phải đi ở nhờ chứ chưa có cơ sở riêng. Trước bài toán phải bố trí, sắp xếp nhân lực như thế nào, hoạt động ra sao? Các đồng chí lãnh đạo Sở lúc bấy giờ đã một mặt tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, mặt khác đoàn kết, bàn bạc để tự tìm ra hướng đi cho ngành, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, tận dụng nguồn lực rất hạn hẹp, sáng suốt đề ra những giải pháp hoạt động phù hợp với tình hình thực tế. Trải qua thời gian, với sự mạnh dạn, sáng tạo, tâm huyết cùng với sự đoàn kết tạo thành sức mạnh, ngành y tế từng bước, từng bước khắc phục được tình trạng yếu kém của hệ thống y tế tỉnh nhà.

Hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế không ngừng phát triển, lớn mạnh theo thời gian. Nếu như năm 1997, toàn ngành chỉ có 4 đơn vị tuyến tỉnh, 5 bệnh viện huyện, 10 phòng khám đa khoa khu vực và 123 trạm y tế xã thì đến nay toàn ngành đã có 35 đơn vị trực thuộc Sở, 08 đơn vị thuộc Chi cục Dân số, 126 trạm y tế cấp xã; trong đó có 2 đơn vị được xếp hạng I, 11 đơn vị xếp hạng II; 16 đơn vị xếp hạng III. Về đội ngũ cán bộ, năm 1997 toàn ngành có 1711 cán bộ y tế, trong đó chỉ có 372 bác sỹ thì đến nay ngành đã có 4435 công chức, viên chức, lao động, trong đó có 970 bác sỹ (05 tiến sỹ, 55 chuyên khoa cấp II, 71 thạc sỹ, 270 chuyên khoa cấp I). Ngoài ra có hơn 800 nhân viên y tế và 1.796 cộng tác viên dân số ở thôn, khu phố.

Được sự quan tâm, đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, thời gian qua hệ thống y tế đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với tổng kinh phí hơn 2000 tỉ đồng. BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Gia Bình, Từ Sơn, Quế Võ, Tiên Du…được đầu tư xây dựng mới, các TTYT và các đơn vị trực thuộc Sở cũng được quan tâm, nâng cấp và cải thiện.

Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi được xây dựng mới và góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhi khoa và sản khoa

Trải qua 2 thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay công tác chăm sóc và bảo vệ nhân dân trong tình hình mới đã có những bước tiến không ngừng, đặc biệt là những năm gần đây hệ thống y tế dự phòng được củng cố và ngày càng phát triển, TTYTDP tỉnh đạt chuẩn Quốc gia năm 2013, hệ thống giám sát được củng cố từ tỉnh đến cơ sở, công tác công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân được đẩy mạnh. Do vậy trong nhiều năm Bắc Ninh không có dịch bệnh lớn xảy ra, nhiều bệnh dịch mới nổi được kiểm soát. Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm ứng dụng CNTT vào quản lí tiêm chủng. Bên cạnh đó, công tác phòng chống bệnh lao, tâm thần, phòng chống HIV/AIDS từng bước đem lại kết quả tích cực, Bắc Ninh đã triển khai 2 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại TP Bắc Ninh và Trung tâm giáo dục dạy nghề và hướng thiện.

Ảnh: Ứng dụng CNTT vào quản lí tiêm chủng giúp công tác tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả cao

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được cả xã hội quan tâm và đang phải đối mặt với những thách thức, tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến không ổn định, hệ thống quản lí VSATTP  đã được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Các hoạt động quản lý, giám sát, thanh kiểm tra được tiến hành thường xuyên, hoạt động thông tin giáo dục truyền thông được đẩy mạnh. Từ đó các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng như người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về ATTP. Công tác dân số - KHHGĐ có vai trò quan trọng trong việc quyết định trong việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Trong 20 năm qua, mạng lưới và công tác truyền thông về dân số từ tỉnh đến xã, thôn  được củng cố và hoạt động ổn định, các hoạt động được tổ chức triển khai với  nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.

Gần dân nhất, hiểu dân nhất đó là y tế cơ sở. Những năm trước đây, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những trạm y tế dột nát, ẩm thấp, sập sệ. Thế nhưng từ năm 2002 hệ thống các trạm y tế ở các địa phương ví như được lột xác, y tế xã được quan tâm đầu tư một cách mạnh mẽ, từ việc cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hoàn toàn các trạm y tế xã, đến việc mua sắm hệ thống trang thiết bị, trang bị 100% máy siêu âm, máy điện tim và 1 loạt trang thiết bị y tế thiết yếu khác cho các trạm y tế hoạt động phục vụ nhân dân trên địa bàn. 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I (2001-2010); tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 119/126 xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 (đạt 94,5%). Phấn đấu đến hết năm 2017, 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh sẽ đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã, về đích trước toàn quốc 3 năm.

Ảnh: Năm 2016, Bắc Ninh có 26 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020

Mới đây, Bắc Ninh đang triển khai xây dựng mô hình lập hồ sơ quản lí sức khỏe cá nhân tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ và bước đầu thu được kết quả tốt, gần 14.000 người dân đã được khám, tư vấn và lập hồ sơ sức khỏe. Theo kế hoạch, đến hết tháng 3/2017 tiếp tục nhân rộng mô hình này tại 7 xã thuộc 3 địa phương là Quế Võ, Lương Tài và Tiên Du.

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, những năm qua ngành Y tế tập trung đầu tư và triển khai hàng loạt kỹ thuật chuyên khoa mũi nhọn, góp phần giúp nhân dân địa phương được tiếp cận với dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại. Tính đến hết năm 2016, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện triển khai  được 1.291 kỹ thuật vượt tuyến, tỉ lệ thực hiện kỹ thuật trong phân tuyến ngày ngày càng được nâng cao. Các đơn vị có sự phát triển vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật, đó là  BVĐK tỉnh, bệnh viện Sản Nhi, BVĐK huyện Yên Phong, Từ Sơn, Quế Võ... Nhờ đó người dân ngày càng tin tưởng và yên tâm đến khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Được thụ hưởng những dịch vụ, kĩ thuật cao ngay tại địa phương là mong muốn của tất cả mọi người dân. Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh mới được thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đã phát huy được vai trò to lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sản khoa và nhi khoa, tận dụng triệt để vị thế là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Nhi trung ương và bệnh viện phụ sản trung ương, triển khai hàng loạt các kĩ thuật cao phục vụ nhân dân trong và ngoài địa bàn tỉnh như: điều trị vô sinh, phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn, phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ ở trẻ em, phẫu thuật tật lỗ tiểu thấp…

Ảnh: Phát triển kĩ thuật chuyên sâu, kĩ thuật cao tại tuyến tỉnh là hướng phát triển tại BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản nhi và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh

Là tuyến đầu trong lĩnh vực khám chữa bệnh của tỉnh và là bệnh viện vệ tinh của  nhiều bệnh viện Trung ương và Hà Nội… những năm gần đây BVĐK tỉnh đã tập trung triển khai nhiều kĩ thuật cao, kĩ thuật chuyên sâu: như điện quang can thiệp, phẫu thuật mạch máu ngoại vi, chụp và can thiệp động mạch vành qua da số hóa xóa nền, chụp và nút mạch khối u gan, điều trị ung thư đa mô thức…, điều này đã góp phần rất lớn trong việc khẳng định thương hiệu  của bệnh viện hạng I. Cũng vì thế BVĐK tỉnh được ví như người anh cả “anh cả”, là điạ chỉ tin cậy trong công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, đáp ứng nhu cầu khám, cấp cứu và điều trị.

Không chỉ đối với các bệnh viện tuyến tỉnh mà các bệnh viện tuyến huyện cũng được đầu tư và cải thiện rõ rệt chất lượng hoạt động. Các bệnh viện đều được trang bị thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quy mô bệnh viện hạng 2, hầu hết đều triển khai được các kĩ thuật như:  phẫu thuật nội soi ruột thừa, cắt tử cung hoàn toàn, phẫu thuật phaco, chạy thận nhân tạo, CT scanner, nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng.

Ảnh: Ứng dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại (máy CT-scanner, X-quang kĩ thuật số, chạy thận nhân tạo) đang được các bệnh viện tuyến huyện tích cực triển khai

Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành y tế cũng được triển khai sâu rộng, trong 20 năm qua, toàn ngành đã thực hiện gần 1.000 đề tài cấp cơ sở và 45 đề tài cấp tỉnh, tổ chức thành công 9 hội nghị khoa học của ngành, trong đó nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp cơ sở đã ứng dụng vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh đạt hiệu quả, tiết kiệm về chi phí, thời gian và sức khỏe của người bệnh nhanh chóng được cải thiện.

Chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến ngày càng được nâng cao, thái độ phục vụ ngày càng được cải thiện rõ rệt, đó là hình ảnh của những người thầy thuốc tỉnh nhà hôm nay và cũng là những điều mà hầu hết bệnh nhân, nhân dân đến khám dễ dàng nhận thấy. Có được những kết quả ấy là nhờ việc thực hiện Y đức, quy tắc ứng xử tại các cơ sở khám chữa bệnh được ngành Y tế phổ biến,  quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc, cùng với đó là phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được triển khai sâu rộng, tạo hiệu quả mạnh mẽ ở khắp các đơn vị y tế, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh. Mới đây, cùng với hệ thống y tế cả nước, ngành Y tế Bắc Ninh đã và đang xây dựng các cơ sở y tế theo hướng “Xanh – Sạch – Đẹp”, tạo cảnh quan môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả chữa bệnh cũng như phòng bệnh tại các cơ sở Y tế.

Ảnh: Song song với hoạt động chuyên môn, ngành y tế cũng đề cao việc rèn luyện, nâng cao y đức và đổi mới phong cách thái độ

Thầy thuốc ưu tú Tô Thị Mai Hoa - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những năm tiếp theo, ngành y tế sẽ tiếp tục củng cố hệ thống phòng dịch, nâng cao chất lượng công tác ATTP, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ; tiếp tục nghiên cứu, cải cách nâng cao hiệu quả trong đó tập trung rà soát, phân loại chất lượng các trạm y tế, thực hiện xong việc lập hồ sơ để quản lí sức khỏe đến từng cá nhân, từng bước triển khai thực hiện trạm y tế hoạt động theo nguyên lí y học gia đình. Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, ngành sẽ tập trung phát triển một số mũi nhọn chuyên sâu tại các bệnh viện huyện để từng bước đáp ứng năng lực chuyên môn của bệnh viện khu vực, bệnh viện vùng trọng điểm của tỉnh, phát triển kĩ thuật cao tại BVĐK tỉnh và 1 số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt trong điều kiện mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi. Ngoài ra, ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lí điều hành và quản lí các hoạt động chuyên môn về y tế.Song song đó, ngành sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao y đức, tính chuyên nghiệp của cán bộ y tế, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức người thầy thuốc, quy tắc ứng xử của ngành, thực hiện có hiệu quả kế hoạch “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”…