Viêm gan B là bệnh có thể gây ra biến chứng nặng nề cho gan cũng như sức khỏe của người bệnh. Bệnh do virus viêm gan B gây ra, loại virus này có thể lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con. Tiêm phòng vắc xin viêm gan B là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.

1. Công dụng của vacxin viêm gan B

Vacxin viêm gan B giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan B và các hậu quả như xơ gan, ung thư gan. Vắc xin phòng viêm gan B được khuyến cáo sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với virus viêm gan B.

Lưu ý: Vắc xin phòng bệnh viêm gan B không phòng được các bệnh viêm gan do các tác nhân khác như virus viêm gan A, virus viêm gan C.

2. Chỉ định và chống chỉ định của vắc xin phòng viêm gan B

2.1. Chỉ định

Nhóm người khỏe mạnh có nguy cơ cao

  • Nhân viên y tế như: Bác sĩ, phẫu thuật viên, nha sĩ, y tá, hộ lý
  • Nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với máu
  • Nhân viên trong phòng thí nghiệm
  • Gia đình có người bị nhiễm virus viêm gan B, đặc biệt là các em bé sinh ra từ những bà mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+).

Nhóm bệnh nhân

  • Những bệnh nhân thường xuyên phải truyền máu hoặc các sản phẩm từ máu có thể đã bị nhiễm virus viêm gan B
  • Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch
  • Những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.

2.2. Chống chỉ định

  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vacxin. Đặc biệt những trường hợp có biểu hiện mẫn cảm với vắc xin ở lần tiêm trước
  • Người mắc các bệnh bẩm sinh
  • Người mắc bệnh tim, bệnh thận hoặc bệnh gan
  • Người bị bệnh đái tháo đường hoặc suy dinh dưỡng
  • Người mắc bệnh ung thư máu, các bệnh ác tính nói chung
  • Người mắc bệnh quá mẫn.

3. Liều lượng và cách dùng vắc xin viêm gan B

3.1. Liều dùng

  • Người lớn sử dụng liều: 20μg/1ml/liều.
  • Trẻ em sử dụng liều: 10μg/0.5ml/liều.

Tuy nhiên, liều dùng còn tùy theo từng loại vacxin cụ thể, bạn nên tham khảo tư vấn của các bác sĩ.

3.2. Cách dùng

Vacxin viêm gan B được chỉ định tiêm bắp, không được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trong da. Người lớn tiêm tại vùng cơ delta, còn trẻ em tiêm vào vùng đùi.

Trường hợp ngoại lệ: Người bị rối loạn chảy máu hoặc giảm tiểu cầu có thể tiêm dưới da.

Cần lắc kỹ lọ vacxin trước khi tiêm.

3.3. Lịch tiêm cơ bản:

Có thể lựa chọn 1 trong 2 cách tiêm sau đây

Cách 1: Hiệu giá kháng thể đạt nhanh

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên: Với trẻ sơ sinh sẽ được tiêm trong tháng đầu tiên sau khi sinh, tốt nhất là trong 24h đầu sau sinh...
  • Mũi 2: Sau mũi 1 một tháng
  • Mũi 3: Sau mũi 2 một tháng
  • Mũi 4: Tiêm nhắc lại sau một năm.

Cách 2: Hiệu giá kháng thể đạt cao sau 3 mũi tiêm đầu

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên. Với trẻ sơ sinh sẽ được tiêm trong tháng đầu tiên sau khi sinh, tốt nhất là trong 24h đầu sau sinh
  • Mũi 2: Sau mũi 1 một tháng
  • Mũi 3: Sau mũi 2 sáu tháng
  • Mũi 4: Tiêm nhắc lại sau 5 năm.

3.4. Lịch tiêm chủng nhanh

Dành cho các trường hợp cần hiệu quả bảo vệ nhanh như bị kim tiêm nghi ngờ nhiễm virus viêm gan B đâm phải, chuẩn bị đi vào vùng có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao....

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Sau mũi 1 bảy (7) ngày
  • Mũi 3: Sau mũi 2 hai mươi mốt (21) ngày.

4. Thận trọng khi sử dụng vắc xin phòng viêm gan B

Các đối tượng bị sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính nên dừng tiêm vacxin viêm gan B. Tuy nhiên, với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ không có chống chỉ định tiêm vacxin này.

Thời kỳ ủ bệnh của viêm gan B dài, do đó có thể bệnh nhân đã bị nhiễm virus trước khi tiêm phòng mà không biết. Do đó, vắc xin không thể ngăn ngừa sự lây nhiễm virus viêm gan B trong trường hợp này.

Sự đáp ứng miễn dịch của vacxin phòng bệnh viêm gan B phụ thuộc vào nhiều yếu tố

  • Độ tuổi: Nam giới trên 40 tuổi đáp ứng miễn dịch kém hơn
  • Bị béo phì
  • Bị đái tháo đường
  • Thói quen hút thuốc lá
  • Đường tiêm không thích hợp: Như tiêm ở mông hay tiêm trong da
  • Người nhiễm HIV/AIDS.

Với các trường hợp trên thường có đáp ứng miễn dịch kém hơn, do đó nên cân nhắc liều tiêm bổ sung.

Đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú: Các loại vắc xin viêm gan B được khuyến cáo không nên tiêm cho phụ nữ có thai. Nhưng với những phụ nữ có thai mà có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan B vẫn có thể tiêm được. Vắc xin này không được chỉ định tiêm cho phụ nữ đang cho con bú.

4. Tác dụng không mong muốn của vacxin viêm gan B

Tác dụng không mong muốn thường gặp

  • Tại vị trí tiêm: Có thể xuất hiện đau thoáng qua, chai cứng da, hồng ban.

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp

  • Toàn thân: Sau khi tiêm có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó chịu, sốt, triệu chứng như mẫn cảm
  • Trên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên: Nhức đầu, chóng mặt, dị cảm
  • Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy
  • Trên hệ gan mật: Thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan
  • Trên hệ cơ xương khớp: Đau cơ, đau khớp
  • Trên da và các phần phụ của da: Ngứa, nổi mề đay, phát ban.

Tác dụng không mong muốn rất hiếm gặp

  • Toàn thân: Xảy ra phản ứng phản vệ
  • Trên tim mạch: Hạ huyết áp, ngất
  • Trên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên: Liệt, viêm thần kinh (gồm có hội chứng Guillain - Barré, viêm thần kinh nhãn cầu và xơ hóa đa dây thần kinh), viêm não, viêm màng não, bệnh thần kinh, bệnh não
  • Trên hệ hô hấp: Xuất hiện các triệu chứng kiểu co thắt phế quản
  • Trên hệ mạch ngoài tim: Viêm mạch
  • Trên hệ bạch cầu và lưới nội mô: Bệnh hạch bạch huyết.

Hiện tại, Phòng tư vấn và tiêm chủng vacxin Vinmec Đà Nẵng cung cấp đa dạng các loại vắc xin cần thiết, bao gồm vắc xin Viêm gan B. Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tối ưu (kho lạnh, tủ lạnh chứa vắc xin có bộ phận cảnh báo nhiệt độ quá dải nhiệt độ cho phép...). Khách hàng có thể kiểm tra kiểm tra được lịch sử tiêm và kế hoạch tiêm qua máy tính, điện thoại.

Để đặt lịch tiêm phòng cho bé, khách hàng có thể liên hệ Phòng tư vấn và tiêm chủng vắc xin - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng TẠI ĐÂY hoặc liên hệ theo số hotline 0236 3711 111 để được hỗ trợ.

 

Tham khảo thêm tại: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/vacxin-viem-gan-b-cong-dung-lieu-dung-chong-chi-dinh/