In bài này
Chuyên mục: Kiến Thức Y học

Theo TS Lại Đức Trường – Chuyên gia các bệnh không lây nhiễm – WHO Việt Nam: 

Covid19 có thể gây ra những nguy cơ gì cho những người sống chung với bệnh tiểu đường?

Trong 30 năm qua, bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường ngày càng trở lên phổ biến và hiện nay trên toàn thế giới có hơn 400 triệu người sống chung với bệnh tiểu đường.

Điều đáng buồn là khoảng một nửa trong số họ không biết mình bị bệnh, bởi vì bệnh tiểu đường cũng như các bệnh không lây nhiễm khác tiến triển thầm lặng bởi trong giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng gì. Một điểm quan trọng nữa là trong số những người được chẩn đoán tiểu đường nhiều người không được tiếp cận với các thuốc cũng như các dịch vụ y tế mà họ cần. Ở Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường nhưng chỉ khoảng 30% là được chẩn đoán và điều trị.

Đại dịch covid19 đã cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do covid19 cao hơn những người không bị bệnh.

Bệnh tiểu đường có hai loại chính là tiểu đường típ 1 và tiểu đường tip 2. Tip 2 phổ biến hơn tip 1 rất nhiều. Người mắc tiểu đường tip 1 thường có nguy cơ mắc covid19 nặng và tử vong cao hơn

Làm sao để những người mắc bệnh tiểu đường có thể sống khỏe mạnh trong đại dịch covid19?

Đại dịch covid19 và các biện pháp giãn cách xã hỗi là một thách thức khá lớn đối với người mắc bệnh tiểu đường. Vì sao lại như vậy? Điều quan trọng trong việc điều trị tiểu đường là vận động thể lực và chế độ ăn uống lành mạnh. Cả hai điều này khó có thể được thực hiện tốt trong điều kiện đại dịch do đó những người mắc bệnh tiểu đường cần sáng tạo để có thể duy trì các hoạt động thể lực và giữ một chế độ ăn uống lành mạnh theo chỉ định của cán bộ y tế trong điều kiện khó khắn do đại dịch gây ra như không thể ra ngoài hoạt động thể lực và khan hiếm rau củ quả tươi. Một điều quan trọng nữa trong quản lý điều trị tiểu đường là phải sử dụng thuốc đúng liều, đúng thời gian. Để đảm bảo việc này thì ngoài trách nhiệm của mỗi cá nhân, hệ thống y tế cũng phải có giải pháp để đảm bảo cung cấp thuốc đầy đủ cho người bệnh, ví dụ kê đơn 2-3 tháng cho mỗi lần khám thay vì chỉ kê một tháng hoặc áp dụng các hình thức khám chữa bệnh từ xa.

Làm sao để những người sống chung với bệnh tiểu đường có thể giữ an toàn khỏi covid19?

Những người mắc bệnh tiểu đường được coi là nhóm dễ bị tổn thương với covid19, do nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn nếu mắc covid19. Do đó chúng tôi khuyến cáo tất cả mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để bảo vệ bản thân đó là thực hành 5K: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, giữ cho nhà cửa thông thoáng, giữ khoảng cách an toàn, tránh tụ tập đông người và khai báo y tế.

Đối với Vaccine covid19, những người mắc tiểu đường thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine covid19 là việc cần làm và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Vì vậy, hãy tiêm phòng khi đến lượt với bất kỳ loại vaccine nào có sẵn

Nguồn: World Health Organization Viet Nam - Tổ chức Y tế Thế giới Việt Nam & bvlptn