Ngày 21/9, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7.
Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca; miền Trung 22 ca; miền Nam 4 ca; riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu. Điều tra dịch tễ cho thấy, trong 198 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1).
So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 3 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp.
Đáng nói, có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do đa số các xã có ổ dịch ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vaccine. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm. Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở nhóm lớn tuổi, do thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, còn xã trắng về tiêm chủng…
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong đó có hướng dẫn chẩn đoán các trường hợp bệnh bạch hầu nghi ngờ, trường hợp bệnh xác định để có các biện pháp xử lý, phòng chống thích hợp. Lưu ý về định nghĩa các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhận bạch hầu trong thời kỳ mắc bệnh (người bệnh và người lành mang trùng) để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch nghiêm ngặt.
Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vắc xin bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng.