Vloghealth xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về Sở Y tế Quảng Bình để quý bạn đọc tiện tìm hiểu khi có nhu cầu. Sở Y tế Quảng Bình có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Địa chỉ: 2 Hồ Xuân Hương, Đồng Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình

Điện thoại: 0232 3822 562

Website: https://syt.quangbinh.gov.vn

Lịch sử hình thành, truyền thống phát triển của ngành 
Ngành y tế Quảng Bình ra đời từ năm 1945, với đội ngũ cán bộ chủ yếu là y tá, hộ sinh và một số ít y sỹ Đông Dương, chưa có bác sỹ. Hình thức hoạt động của ngành y tế quân dân y là một, cùng phối hợp trong việc đào tạo để bổ sung cán bộ y tế cho các đơn vị tự vệ, bộ đội địa phương, dân quân du kích và chăm lo sức khoẻ nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành y tế Quảng Bình đã trải qua những chặng đường đầy gian khổ, hy sinh. Song, cũng từ đó ngành đã trưởng thành về nhiều mặt. Trước hết là các cơ sở chữa bệnh ở chiến khu kháng chiến vẫn giữ vững tinh thần, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn; rèn luyện thử thách lòng trung thành của mỗi cán bộ, nhân viên đối với kháng chiến, với cách mạng; phong trào y tế nhân dân được phát triển; hình thành được mạng lưới y tế khắp địa bàn tỉnh, nhân dân đã am hiểu ít nhiều về công tác y tế.

 

Song song với việc phục vụ chiến đấu, ngành y tế Quảng Bình đã chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở. Cuối năm 1960, Trường y sĩ Quảng Bình được thành lập, là nơi đào tạo, bổ túc cán bộ có trình độ để xây dựng mạng lưới y tế. Phát động phong trào vệ sinh yêu nước, nội dung chủ yếu là 3 sạch, 4 diệt kết hợp thường xuyên công tác tiêm chủng; triển khai công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em; tổ chức phòng chống các bệnh xã hội; củng cố công tác khám chữa bệnh, thực hiện các chức trách chế độ công tác trong bệnh viện, bệnh xá; xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới ngành dược, thực hiện chủ trương đưa thuốc đến tận người dân.

 

Tuy mới ra đời, nhưng ngành y tế đã cùng với quân y nhanh chóng tổ chức mạng lưới cấp cứu, điều trị chiến thương và phục vụ chiến đấu, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cấp trên, nhất là đối với lực lượng vũ trang.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Bình được hoàn toàn giải phóng. Song hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Từ sau ngày hoà bình lập lại (1954) ngành y tế Quảng Bình cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và khôi phục các cơ sở y tế, phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị để xây dựng tỉnh nhà vững mạnh.

 

Ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ phát động chiến tranh đánh phá miền Bắc, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh và Bộ tư lệnh Quân khu IV; sự phối hợp của Tỉnh đội, Công an, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh, ngành y tế Quảng Bình nhanh chóng chuyển trạng thái từ y tế thời bình sang phục vụ chiến đấu.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, sau khi rà soát lại công tác chuẩn bị cấp cứu phòng không, phục vụ chiến đấu, ngành y tế Quảng Bình đã đề ra chủ trương: Củng cố y tế xã, nâng cao y tế huyện, phân tán y tế tỉnh, đồng thời phát động phong trào vệ sinh yêu nước chống Mỹ trong toàn dân; tích cực tiêu diệt sốt rét, đẩy mạnh tiêm vacxin phòng tả, thương hàn, đậu mùa và uống vacxin phòng bại liệt; tăng cường công tác tổ chức, công tác chính trị tư tưởng trong ngành; tích cực làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam và nước bạn Lào...

 

Cán bộ y tế đã không quản ngại khó khăn lên rừng chặt cây, đốn gỗ để xây dựng công sự, hầm hào, mang vác di chuyển phương tiện, trang thiết bị đến các cơ sở sơ tán, ngay sau đó bắt tay vào công tác phục vụ cấp cứu, điều trị cho bộ đội và nhân dân bị thương... Hàng trăm cán bộ y tế đã hiến máu của mình để cứu thương binh và nhân dân.

Tháng 4/1969, Bộ Y tế quyết định một số việc cấp bách. Ty Y tế cùng Ban B Quảng Bình tổ chức triển khai 100 giường điều dưỡng điều trị tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (gọi bệnh viện điều dưỡng) để thu dung điều trị cho cán bộ và đồng bào từ chiến trường miền Nam ra Quảng Bình.

 

Với quyết tâm ’’Tất cả cho Trị Thiên’’, ’’Tất cả cho miền Nam’’, CBCNV ngành y tế đã góp phần quan trọng và tham gia các chiến dịch đường 9 Nam Lào, mặt trận B5, 100 cán bộ y tế tham gia phục vụ chiến dịch VT5 trong thời gian 3 tháng. Ngoài ra còn phục vụ Hòn La, K8, K10, K15 góp phần cùng binh trạm 5 vận tải hàng hoá, vũ khí cho chiến dịch B5 giải phóng Quảng Trị.

Thực hiện chủ trương của Ty Y tế, Trường y sỹ Quảng Bình đã đào tạo ngoại khoa hoá cho 494 cán bộ, bổ túc văn hoá cấp 3 cho 56 y sỹ, huấn luyện ngoại khoa hoá được 217 y, bác sỹ huyện, công - nông trường, xí nghiệp. Ở Bệnh viện tỉnh, anh chị em được ngoại khoa hoá 100% và trên 50% số y tá, nữ hộ sinh, dược sỹ làm được 5 kỹ thuật cấp cứu cơ bản. Các trạm chuyên khoa tỉnh đào tạo được 1.459 cán bộ y tế xã. Ngoài ra còn tổ chức cho 295 CBCNV các công - nông - lâm trường, xí nghiệp, trường học học tập phòng chống chiến tranh vi trùng hoá học, huấn luyện 517 cứu thương. Trường còn đào tạo y sỹ, y tá, nữ hộ sinh cho tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên gồm 135 cán bộ. Cán bộ y tế huyện, xã luân phiên về tại chổ huấn luyện 3-5 ngày cho các đơn vị pháo binh trực chiến dọc bờ biển Ngư Thủy, Gia Ninh, Võ Ninh, Nhân Trạch, Lý Hoà, Cảnh Dương; dọc đường 15A, 12A cho đội TNXP 759, công trường 12A, binh trạm Bắc-Nam, huấn luyện các lão dân quân Đức Ninh, Mai Thủy và 8 đơn vị dân quân gái của 4 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hoá.

 

Từ 1966 - 1972 là thời kỳ ác liệt nhất, mỗi ngày Ngành y tế thu nhận từ 200-300 thương bệnh binh vào điều trị. Hàng năm khám cho hàng trăm ngàn lượt thương bệnh binh và nhân dân, điều trị ngoại trú cho 12.000-13.000 người; điều trị nội trú cho 13.000-15.000 người; phẫu thuật cấp cứu cho 300-500 ca.

Không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, ngành y tế còn gửi ra mặt trận 185 cán bộ y tế gia nhập vào các đơn vị quân đội trực tiếp chiến đấu, nhiều đồng chí được tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ. Đặc biệt, ngành y tế Quảng Bình đã cử 85 lượt cán bộ sang giúp bạn Lào về y tế và thuốc men, dụng cụ. Làm tốt công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm, góp phần làm tốt công tác gọi thanh niên nhập ngủ bảo vệ và xây dựng tổ quốc

 

Công tác hậu cần cung cấp thuốc, trang thiết bị, phương tiện được chú trọng và cung ứng đầy đủ. Ngoài ra sử dụng nhiều cây con làm thuốc, sản xuất được nhiều loại thuốc trị bỏng, trị vết thương hoả khí, chế tạo nhiều loại nẹp, cáng tải thương, cấp cứu...

 

Cùng với công tác cấp cứu điều trị thời chiến, các hoạt động y tế khác đều được Ty chỉ đạo và các đơn vị y tế trong ngành thực hiện có hiệu quả như: Vệ sinh phòng bệnh, xây dựng hố xí 2 ngăn, phong trào 3 diệt, hàng năm không để xảy ra dịch; đặc biệt công tác phòng chống sốt rét cho bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và nhân dân thực hiện rất có kết quả, hằng năm đã điều trị cho 6 - 10 ngàn người mắc sốt rét. Phong trào trồng thuốc nam, sản xuất thuốc... đã đảm bảo tốt nguồn hậu cần phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Trong chiến tranh ác liệt, y tế cơ sở xã, thị trấn, y tế HTX được bổ sung xây dựng lớn mạnh, mỗi xã có từ 5-10 cán bộ y tế hoạt động tạo thành một mạng lưới y tế sát tận đến các bản làng, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu.

 

Công tác tuyên truyền, đào tạo huấn luyện cán bộ, đặc biệt là hướng dẫn cấp cứu chiến thương cho 583 lớp bộ đội và nhân dân, với trên 4.000 người.

Trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ngành y tế Quảng Bình đã xuất hiện nhiều những tấm gương lao động, chiến đấu tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cũng trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy toàn ngành có 289 cán bộ hy sinh và hơn 100 người bị thương, hàng trăm cán bộ đến nay còn mang thương tích trên người. Những tổn thất to lớn của ngành y tế đã góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình.

 

Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới xây dựng từ năm 1974 - 1981 là món quà quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu Ba đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh nói riêng. Lúc bấy giờ đây mà một Bệnh viện thuộc loại hiện đại nhất ở Đông Dương. Từ đó đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới luôn được coi là tuyến cao nhất và chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, chỉ đạo tuyến trước về chuyên môn - kỹ thuật.

 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, hoạt động y tế đã có nhiều biến đổi sâu sắc.

Năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong 13 năm nhập tỉnh Bình Trị Thiên, nhiều đơn vị y tế huyện, xã trên địa bàn Quảng Bình (cũ) vẫn kiên trì bám sát ’’5 mục tiêu’’, ’’5 dứt điểm’’ của ngành; phấn đấu bền bỉ, liên tục, nhất là công tác vệ sinh phòng bệnh - phòng dịch và các bệnh xã hội (lao, phong, hoa liễu, mắt hột, bướu cổ). Đã gắn liền mọi mặt công tác trong lĩnh vực y, dược; nhất là Xí nghiệp dược phẩm Đồng Hới tuy gặp muôn vàn khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, thiếu nguyên phụ liệu... nhưng đã đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau đẩy mạnh các hoạt động để phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

 

Năm 1989, tỉnh Quảng Bình được trở về địa giới cũ. Trong 18 năm ngắn ngủi, kể từ ngày chia tách tỉnh đến nay, ngành y tế Quảng Bình đã phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đã đạt được kết quả bước đầu về nhiều mặt.

Mạng lưới y tế cơ sở xã, phường đã được xây dựng, củng cố và từng bước hoàn thiện. Đến nay, tất cả các trạm y tế xã, phường được bố trí từ 3-6 cán bộ, 105/157 trạm y tế xã, phường đã có bác sỹ làm việc (chiếm 66%); 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào, 70% số trạm y tế được xây dựng mới hoặc tu sửa lại và được trang bị các dụng cụ, phương tiện thiết yếu phục vụ công tác.

 

Chất lượng hoạt động của các trạm y tế hàng năm tăng từ chổ trên 50% số trạm y tế yếu kém đến nay 85% số trạm y tế hoạt động khá, tốt; trong đó 63/157 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia; không còn trạm y tế loại yếu kém.

Các bệnh dịch như: Sốt rét, sốt xuất huyết, tả, lỵ... được khống chế.

 

Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em được chú trọng, phụ nữ có thai được quản lý theo dõi, tai biến tai nạn sản khoa và tử vong mẹ đã giảm 70%. Công tác KHHGĐ ngày càng phát huy hiệu quả, tỷ suất sinh hàng năm giảm từ 0,8%o đến 1,0%o.

Trẻ em được chăm sóc sức khoẻ số trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm từ 52,3% xuống còn 32,1%. Phần lớn các trẻ em bị dị tật sứt môi, di chứng hệ vận động trong toàn tỉnh đã được phẫu thuật điều trị.

Trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiêm chủng phòng bệnh hàng năm đạt từ 95 đến 99%, xoá các bản trắng về tiêm chủng, thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, các bệnh truyền nhiễm khác giảm đáng kể.

 

Hàng năm phát hiện quản lý điều trị cho khoảng 1.600 bệnh nhân lao, phẫu thuật miễn phí cho 350 - 450 người mù do đục thủy tinh thể. Toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình thanh toán bệnh phong, bệnh nhân tâm thần cơ bản đã được quản lý và điều trị, 100% dân miền núi và trên 90% dân đồng bằng dùng muối iốt.

 

Các cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư nâng cấp, trình độ tay nghề của đội ngủ cán bộ ngày càng tăng. Trang bị thêm một số máy móc phương tiện hiện đại, xây dựng một số phòng mổ và các cơ sở kỹ thuật mới. Cuộc vận động rèn luyện đạo đức phẩm chất nâng cao tinh thần trách nhiệm, giảm phiền hà cho người bệnh được tiến hành rộng rãi trong cán bộ nhân viên các bệnh viện và đã có chuyển biến tích cực. Hàng nghìn trường hợp bệnh lý phức tạp được chẩn đoán phát hiện và xử trí tại tuyến huyện. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai ứng dụng có hiệu quả: Như mổ lắp thể thủy tinh nhân tạo cho người bị mù do đục thể thủy tinh, tháo lồng ruột trẻ em bằng hơi, chọc dò áp xe gan qua siêu âm, đóng đinh nội tủy xương đùi, truyền máu, mổ phục hồi chức năng hệ vận động, phẫu thuật nụ cười... Các chế độ chuyên môn được củng cố, nhiều bệnh viện đã giải quyết ăn, mặc cho bệnh nhân. Điều kiện vệ sinh và cung cấp nước sạch được cải thiện.

 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí. Bảo hiểm y tế đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Hành nghề y dược tư nhân từng bước được quản lý chặt chẽ.

Ngành dược đã đảm bảo đầy đủ thuốc thiết yếu và trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh. Công ty Dược phẩm Quảng Bình đã đầu tư, đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP (Asean). Một số mặt hàng sản xuất như: thuốc mở, thuốc viên vĩ, nhộng... đã có uy tín ở thị trường trong nước. Thị trường thuốc, chất lượng các thuốc tân dược, đông dược và mỹ phẩm được kiểm tra, quản lý.

 

Công tác đào tạo được chú ý và đẩy mạnh. Từ chổ phải gửi các trường đào tạo trung học y tế, từ năm 1997 đến nay Trường trung học y tế tỉnh được thành lập và đã đào tạo hàng trăm cán bộ y tế trung sơ cấp làm công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Các bác sỹ, dược sỹ và cán bộ đại học khác đã tham gia tổng kết nghiên cứu, hoàn thành được trên 50 công trình, tham gia hội nghị khoa học trong tỉnh, của các Viện đầu ngành Trung ương và khu vực.

 

Đồng thời, thường xuyên quan tâm củng cố và xây dựng lực lượng tự vệ trong toàn ngành ngày càng vững mạnh và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa...

Với những thành tích xuất sắc trong phục vụ kháng chiến và xây dựng quê hương, ngành y tế Quảng Bình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao và khen thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng 8 đã thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp đã thắng lợi, công cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã chiến thắng vẻ vang, Tổ quốc ta đã được hoà bình, độc lập và thống nhất. Cùng với cả nước, cùng với quân và dân trong tỉnh, ngành y tế Quảng Bình đã đã từng bước lớn lên, góp phần phục vụ chiến đấu, phục vụ sản xuất; bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

 

Bước vào công cuộc đổi mới của đất nước, ngành Y tế Quảng Bình nguyện phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, của ngành; cùng cả nước nổ lực phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.