Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine ngừa COVID-19 cho thấy có hiệu quả trong việc ngăn lây nhiễm, đặc biệt là phòng ngừa bệnh nặng và tử vong. Vaccine cũng đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em, nhưng vẫn còn một số ý kiến do dự…

Tiêm vaccine còn E ngại tác dụng phụ

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu về vaccine ngừa COVID-19 gồm: TS.BS Huỳnh Giao (Đại học Y dược - tác giả chính); PGS.TS Phạm Lê An (Đại học Y dược); TS. Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh (Đại học Y dược); BS. Trần Văn Khanh (Bệnh viện Lê Văn Thịnh) thì COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2020, sau đó dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã lan rộng nhanh chóng đến hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Tính đến nay, tổng số trường hợp nhiễm là 5.042.036 ca  và tử vong là 41.086 ca.

Người mắc COVID-19 có biểu hiện bệnh đa dạng từ nhiễm không có triệu chứng, hoặc có các triệu chứng thường gặp như sốt, ho khan, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác cho tới những biểu hiện mức độ nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong.

Do đa số trường hợp người nhiễm có triệu chứng nhẹ nên chủ yếu điều trị triệu chứng, các loại thuốc kháng virus được sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao, phải được chỉ định bởi nhân viên y tế.

Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 được triển khai từ tháng 3/2021. Theo đó, tính đến tháng 11/2021 đã có 9 loại vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng trong điều kiện khẩn cấp bao gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Johnson và Johnson, Vero Cell, Sputnik V, Hayat-Vax COVID-19, Abdala và Covaxin. Tất cả các loại vaccine đều được sử dụng miễn phí và địa điểm tiêm vaccine thuận tiện để người dân dễ tiếp cận.

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu thì sự do dự tiêm ngừa được xem là một rào cản lớn để đạt  mục tiêu tiêm chủng. Do dự tiêm vaccine được xem như là sự chậm trễ, từ chối chấp nhận tiêm ngừa khi đến lượt được WHO xếp loại là một trong mười mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu vào năm 2019. 

Nên cho trẻ tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi đến lượt

Mới đây, Chính phủ đã có nghị quyết mua 21,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm ngừa cho nhóm trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cũng đang triển khai các bước để có thể tiến hành tiêm ngừa cho trẻ, thận trọng, an toàn và hiệu quả.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trước khi triển khai tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi, sẽ phối hợp triển khai tập huấn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến.

Khác với các nhóm tuổi đã tiêm chủng COVID-19, các chuyên gia cho rằng, trẻ dưới 10 tuổi sẽ ít báo với cha mẹ nếu có phản ứng sau tiêm, đặc biệt nếu phản ứng đó là nhẹ. Vì vậy, cha mẹ cần lưu tâm đến trẻ, đặc biệt sau thời gian tiêm để sớm phát hiện những bất thường. 

Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp trẻ em mắc COVID-19 ở mức độ nặng và phải nhập viện, cũng như có biến chứng sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Trong một số trường hợp, các biến chứng do nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong. Trong bối cảnh thực hiện Thích ứng an toàn linh hoạt, trở lại cuộc sống bình thường, các em nhỏ được trở lại trường học, khả năng lây lan COVID-19 cho người khác, bao gồm ở nhà và trường học là rất cao. Việc tiêm vaccine sớm cho trẻ không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm các thành viên gia đình không đủ điều kiện tiêm chủng hoặc có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu  bị nhiễm bệnh.

Qua các nghiên cứu và các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới cho thấy, tiêm vaccine cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi  không có biến cố nghiêm trọng nào được xác định, và cũng không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản. Các báo cáo cũng cho thấy lợi ích của tiêm chủng lớn hơn nhiều so với những rủi ro đã biết. Do đó, khuyến cáo các phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi đến lượt.

Đối với trẻ em, vaccine được phê duyệt tiêm cho trẻ là Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine). Liều tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19. Liều vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Như vậy, tất cả đối tượng đủ điều kiện nên tiêm ngừa vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch, bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo. Ngoài ra, cần cập nhật thông tin về COVID-19 từ các nguồn đáng tin cậy như WHO, Bộ Y tế hoặc các cơ quan y tế địa phương để nâng cao kiến thức và thực hành phòng ngừa bệnh.

Ngọc Quyên

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN CỦA BỘ Y TẾ VỀ ĐẠI DỊCH COVID-19