Đau dạ dày hậu COVID-19, chú ý 4 nguyên tắc dinh dưỡng này để ngừa cơn đau trầm trọng. Đau dạ dày hậu COVID là một tình trạng gặp ở nhiều người sau khi khỏi bệnh. Sau khi âm tính, cảm giác này vẫn còn dai dẳng.

1. Những triệu chứng có thể gặp hậu COVID-19

Thực tế, hầu hết những người bị COVID-19 đều khỏe dần lại trong vòng vài tuần sau khi bị bệnh, nhưng một số người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID-19.

Tình trạng hậu COVID-19 là một loạt các vấn đề sức khỏe mới mà người bệnh có thể gặp trong 4 tuần trở lên sau lần đầu tiên bị nhiễm COVID-19. Ngay cả những người mắc COVID không triệu chứng cũng có thể gặp phải tình trạng hậu COVID. Nó có thể biểu hiện dưới các triệu chứng sau:

  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Mệt mỏi
  • Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần (còn được gọi là tình trạng khó chịu sau gắng sức)
  • Khó suy nghĩ hoặc tập trung (đôi khi được gọi là "sương mù não")
  • Ho
  • Đau ngực hoặc đau dạ dày
  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh hoặc đập mạnh (còn được gọi là tim đập nhanh)
  • Đau khớp hoặc cơ
  • Tiêu chảy
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Sốt
  • Chóng mặt khi đứng (lâng lâng)
  • Phát ban
  • Thay đổi tâm trạng
  • Thay đổi khứu giác hoặc vị giác
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt…

Một số người bị COVID-19 nặng bị ảnh hưởng đa cơ quan hoặc tình trạng tự miễn dịch trong thời gian dài hơn với các triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau khi mắc COVID-19.

Tác động đa cơ quan có thể ảnh hưởng đến nhiều, thậm chí tất cả cơ thể, bao gồm cả chức năng tim, phổi, thận, da và não.

Tình trạng tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây viêm (sưng) hoặc tổn thương mô ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể…

2. Vì sao hậu COVID-19 người bệnh dễ tái phát cơn đau dạ dày?

Có nhiều nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày, chủ yếu do chế độ ăn uống không hợp lý; sinh hoạt không điều độ, ngủ không đủ giấc; lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh; stress, căng thẳng…

Ở người mắc COVID-19, trong thời gian nhiễm bệnh thường có chế độ ăn uống kém hơn, do dùng thuốc, đặc biệt là những lo lắng, mất ngủ, căng thẳng kéo dài… có thể là nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày ở người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày.

Vì vậy, để cải thiện tình trạng này, trước tiên người bệnh cần có chế độ ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý để nhanh hồi phục. Cần lưu ý, tránh suy nghĩ căng thẳng, stress. Nếu có những vấn đề sức khỏe khác trong giai đoạn hậu COVID kéo dài hoặc trầm trọng nên đi khám để có biện pháp điều trị phù hợp.

3. Cách ăn uống giúp kiểm soát cơn đau dạ dày hậu COVID-19

3.1. Ăn đủ chất dinh dưỡng

Để có sức khỏe tốt, trước tiên người có bệnh lý dạ dày cần đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc)

- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...)

- Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật)

- Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...)

3.2. Ưu tiên các thực phẩm tốt cho dạ dày

- Người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn các loại thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như: ngũ cốc, gạo nếp, bánh mỳ, bánh quy, các loại khoai củ, mật ong…

- Nên ăn thức ăn nấu mềm, chín, giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho niêm mạc ruột như: Sữa, cháo, súp hay các món hầm mềm, ninh…

- Nên ăn thịt nạc như thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gia cầm không da; cá, trứng…

- Lựa chọn các chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ và các loại hạt.

- Tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do khả năng tiêu hóa và hấp thu kém ở người bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý không nên ăn quá nhiều trái cây có tính axit cao như trái cây họ cam quýt.

3.3. Hạn chế các thực phẩm có thể làm nặng bệnh

- Hạn chế thức ăn làm thay đổi môi trường PH của dạ dày như các thức ăn có vị cay, chua, gia vị tiêu, giấm, ớt, tỏi…

- Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, cà phê, trà đặc, đồ uống có gas, thức ăn muối chua, nhiều muối… dễ gây tăng tiết dịch vị, sinh hơi làm tái phát cơn đau dạ dày.

- Hạn chế thức ăn chiên, xào, rán.

- Tránh ăn thực phẩm thô cứng, nhiều xơ, gân…

- Hạn chế tối đa uống rượu bia, tốt nhất là không nên uống, vì tất cả rượu bia, đặc biệt là rượu mạnh đều gây kích thích dạ dày và làm chậm quá trình chữa lành bệnh.

- Không ăn thức ăn lạnh, thức ăn để lâu, các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh… Những thực phẩm này đặc biệt không tốt cho dạ dày, lại có nhiều nguy cơ gây tiêu chảy, ngộ độc khiến cho chức năng của dạ dày càng thêm yếu.

3.4. Ăn chậm, nhai kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ

Người có tiền sử viêm loét dạ dày cần đặc biệt chú ý đến cách ăn uống để tránh làm tổn thương và quá tải cho dạ dày. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc bị kích thích dễ gây tái phát những cơn đau và làm nặng thêm các tổn thương viêm loét trước đó. Cần lưu ý:

- Không ăn no quá hay để đói quá.

- Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bữa tối cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Không ăn khuya quá tránh dạ dày hoạt động quá tải về đêm..

- Ăn chậm, nhai kỹ.

- Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.

Căng thẳng, stress là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày ở người bình thường và gây tái phát bệnh người có tiền sử viêm loét dạ dày. Vì vậy, trong giai đoạn hậu COVID-19, người bệnh nên cố gắng tránh lo lắng, căng thẳng không cần thiết. Hãy ăn uống đầy đủ, tăng cường thực phẩm giàu calo, protein, rau quả tươi, các loại gia vị như gừng, nghệ… để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch; Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc; Tập thể dục đều đặn; Nếu có vấn đề sức khỏe khác nên đi khám để có biện pháp xử lý phù hợp.

Nguồn: covid19.gov.vn/dau-da-day-hau-covid-19-chu-y-4-nguyen-tac-dinh-duong-nay-de-ngua-con-dau-tram-trong-171220318093707794.htm