Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trunng tâm Y tế thành phố Thái Nguyên khảng định “Không để vaccine phòng Covid-19 tồn đọng và tạo thuận lợi nhất cho người dân…”

Bên cạnh việc điều trị cho hàng nghìn trường hợp F0, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm tất cả các trường hợp là F1, ngành Y tế Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực tiêm vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe người dân, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Với quan điểm không để vaccine phòng Covid-19 tồn đọng và tạo thuận lợi nhất cho người dân, việc tiêm vaccine hằng ngày được chúng tôi tổ chức đến tận đêm; cán bộ trạm y tế các phường, xã cũng nỗ lực thực hiện chiến dịch nên đến nay, gần 96% người dân được tiêm mũi 1 và 88% người dân TP Thái Nguyên từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi hai phòng Covid-19. Thời gian gần đây, chúng tôi tổ chức tiêm phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 tuổi trở lên. Do thực hiện đúng quy trình, đến nay chưa có trường hợp nào bị biến chứng do tiêm phòng.

Thành phố Thái Nguyên là đô thị lớn, mật độ dân số đông, từ đầu tháng 10/2021 đến nay đã phát hiện 300 người nhiễm Covid-19 và nguy cơ dịch lan rộng là rất lớn. Để ngăn chặn nguy cơ này, thời gian vừa qua, thành phố Thái Nguyên đã kịp thời khoanh vùng ổ dịch, đưa vào cơ sở điều trị các trường hợp F0, cách ly các trường hợp F1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng Covid-19 cho người dân.

Trong quá trình thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là cơ sở vật chất chật hẹp, vừa phải khám, điều trị bệnh cho người dân, vừa phải căng mình chống dịch nên thiếu nhân lực y tế. Để khắc phục những khó khăn trên, thành phố Thái Nguyên đã phát huy nguồn lực và nhân lực y tế trên địa bàn cùng chung tay để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

(Cán bộ Trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên tiêm vaccine covid19 cho du học sinh đang học tập tại Thái Nguyên)

Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm cho hay: Thời gian gần đây, lượng vắc-xin được phân bổ khá lớn nên cán bộ y tế phải làm việc với cường độ cao hơn rất nhiều so với trước. Để đảm bảo tiến độ tiêm phòng vắc-xin theo kế hoạch đề ra, mỗi tối, chúng tôi phải huy động 20 cán bộ y tế thực hiện các nhiệm vụ như khám sàng lọc, tiêm cho người dân. Theo đó, Trung tâm bố trí từ 2 đến 3 bàn tiêm, mỗi bàn tiêm được từ 200 đến 300 người/ngày.

Mặc dù làm việc với cường độ cao nhưng các cán bộ y tế của Trung tâm vẫn luôn trách nhiệm với công việc được giao. Chị Phạm Thúy Ngân, cán bộ y tế phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) nói: Ban ngày chúng tôi làm việc ở trạm, đến tối được tăng cường lên Trung tâm để tiêm vắc-xin cho người dân. Thời gian này, những hôm sớm thì 21 giờ 30 phút được nghỉ, những hôm lượng người tiêm đông, 23 giờ chúng tôi mới được về nhà. Công việc tuy vất vả, bận rộn nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì thấy số người được tiêm vắc-xin phòng bệnh ngày càng nhiều.

Ngoài tiêm cho lực lượng lao động tự do, người làm nghề shiper, từ ngày 19 đến 21-11, Trung tâm Y tế thành phố đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (mũi 2) cho khoảng 6.000 giáo viên trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 22 đến 27-11, Trung tâm tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin đợt thứ 17 với gần 42.000 liều vắc-xin. Trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người lái xe vận chuyển hàng hóa, hành khách, người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao trên địa bàn.

Ngoài các bàn tiêm tại Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên, hoạt động tiêm chủng tiếp tục được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường và các nhà máy, công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố.

Để hoạt động tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực về con người; vật tư y tế như vắc-xin, kim tiêm, khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn... Trung tâm còn chỉ đạo Đội cấp cứu tại chỗ, Đội cấp cứu lưu động bố trí cán bộ theo dõi, sẵn sàng vận chuyển, cấp cứu khi có yêu cầu. Cùng với đó là theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng; phối hợp với các cơ quan xây dựng hướng dẫn về tiêm chủng, xử lý tiêm chủng, nhất là việc xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19...

Đặc biệt, các điểm tiêm ở xã, phường đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, giường bệnh, thuốc và thiết bị y tế cần thiết phục vụ xử trí sốc phản vệ, cấp cứu và sử dụng cho các tình huống người tiêm phải nằm nghỉ khi cần thiết tại các cụm tiêm chủng trên địa bàn...

Nguồn: Fanpage: Tuổi Trẻ Y tế Thái Nguyên