Ngày 31/01/2020 Bệnh viện lao và Bệnh phổi Thái Nguyên tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virut Corona mới gây ra. Ts Nguyễn Trường Giang – Giám đốc – Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị Ban chỉ đạo đã thông qua Kế hoạch phòng chống dịch, các phương án khi có tình huống xảy ra. Kiện toàn Đội cấp cứu lưu động và Đội chống dịch lưu động. Hiện tại Bệnh viện đã tiến hành phân loại bệnh nhân, thành lập phòng khám chuyên biệt để khám cho các bệnh nhân nghi ngờ, thiết lập khu vực điều trị cách ly khi có bệnh nhân nghi mắc. Trong các ngày tiếp theo bệnh viện tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị, giám sát, phòng chống dịch cho toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, sinh phẩm, hoá chất, phương tiện sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra. Hiện tại Bệnh viện chưa tiếp nhân ca bệnh nào nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới gây ra./.


KẾ HOẠCH

Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng

vi rút Corona mới (nCoV) gây ra

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

Căn cứ Quyết định số: 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “ Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virut Corona mới (nCoV”;

Căn cứ Quyết định số: 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV);

Căn cứ văn bản số: 224/UBND-KGVX ngày 24/01/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra;

Căn cứ Kế hoạch số: 160/KH-SYT ngày 22/01/2020 của Sở Y tế Thái Nguyên về Phòng chống dịch bệnh do virut Corona mới (nCoV) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bệnh viện  lao và Bệnh phổi xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch, bệnh cụ thể như sau:

  1. Đặc điểm tình hình

Theo báo cáo từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ  Y tế, tính đến 17 giờ ngày 30/01/2020 trên thế giới đã có 7.823 ca mắc, trong đó tại Trung Quốc lục địa là 7.715 ca mắc. Dịch đã lan sang 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam tính đến 17 giờ ngày 30/01/2020 đã ghi nhận 05 ca mắc, trong đó có 02 người Trung Quốc. Ngoài ra có 97 trường hợp nghi ngờ mắc đang được cách ly điều trị.

Dự báo bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do corona mới gây nên có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng và có khả năng bùng phát thành dịch nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

  1. Mục tiêu và giải pháp
  2. Mục tiêu

Phát hiện sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên, xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch lây lan, hạn chế mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh.

  1. Giải pháp

2.1. Tình huống 1: Khi chưa ghi nhận ca mắc đầu tiên

– Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của bệnh viện. Tăng cường vai trò lãnh đạo Đảng uỷ, Ban giám đốc và các thành viên Ban chỉ đạo.

– Xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn tại bệnh viện để chủ động ứng phó kịp thời. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để bổ sung các phương án phù hợp.

– Thành lập Đội cấp cứu lưu động và Đội chống dịch lưu động, huấn luyện thành thạo các kỹ năng và phương án cho đội cấp cứu lưu động và đội chống dịch lưu động.

– Trang bị đầy đủ thuốc men, vật tư, sinh phẩm, hoá chất, phương tiện, quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, xe cứu thương… sẵn sàng triển khai thực hiện khi có tình huống sảy ra.

– Tập huấn, huấn luyện cho tất cả cán bộ y tế đặc biệt là các cán bộ y tế trực tiếp khám, điều trị, vận chuyển bệnh nhân (kể cả hộ lý, lái xe) về công tác chẩn đoán, điều trị và phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Phân loại bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và mới đi về từ Trung Quốc, bệnh viện Bạch Mai và những vùng có dịch đến khám tại phòng khám chuyên biệt ( phòng khám số 5).

– Thiết lập khu vực điều trị cách ly tại khoa Nội 2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phân công cán bộ có năng lực phụ trách phòng điều trị cách ly.

– Phát hiện sớm và chủ động cách ly điều trị có hiệu quả bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ.

– Tăng cường các biện pháp dự phòng đặc hiệu và không đặc hiệu nhằm khống chế, quản lý ca bệnh nghi ngờ một cách chủ động và hiệu quả, phát hiện sớm và phối hợp xử lý kịp thời ổ dịch.

– Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh. Khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiều 01 mét khi giao tiếp, đến ngay các cơ sở y tế khám khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở…

– Sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ sở y tế trong khu vực khi có yêu cầu.

– Đảm bảo công tác thông tin báo cáo dịch chính xác, kịp thời theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

2.2. Tình huống 2: Khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ

– Tiếp tục áp dụng tất cả các giải pháp của tình huống 1.

– Cách ly, theo dõi và điều trị bệnh nhân ghi ngờ theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

– Báo cáo ngay với Trung tâm phòng chống dịch bệnh của tỉnh (CDC) để phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

– Phối hợp với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện để chuyển bệnh nhân khi cần thiết.

– Áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt cho nhân viên y tế. Nhân viên Y tế trực tiếp tiếp xúc, khám và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ phải áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2.3. Tình huống 3: Khi ghi nhận ca mắc đầu tiên

– Tiếp tục áp dụng tất cả các giải pháp của tình huống 1 và tình huống 2.

– Cách ly, theo dõi và điều trị bệnh nhân theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

– Áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt cho nhân viên y tế. Nhân viên Y tế trực tiếp tiếp xúc, khám và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ phải áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

III. Tổ chức thực hiện

  1. Phòng Kế hoạch tổng hợp

– Tham mưu cho Ban giám đốc Kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về công tác phòng chống dịch bệnh.

– Tham mưu ban hành Quyết định  thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của bệnh viện.

– Tập huấn, huấn luyện về chẩn đoán, điều trị, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế, đặc biệt là các cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc, khám, điều trị, vận chuyển bệnh nhân.

– Hướng dẫn khoa Khám bệnh, khoa Nội 2 thiết lập phòng khám chuyên biệt và khu vực điều trị cách ly.

– Cập nhật thường xuyên các thông tin, diễn biến về dịch bệnh. Thực hiện báo cáo dịch theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

2.Phòng Tổ chức hành chính

– Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, quần áo bảo hộ, xe cứu thương sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống sảy ra.

– Thiết lập hệ thống biển chỉ dẫn, khuyến cáo cho người bệnh.

– Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia khám, chẩn đoán, điều trị và phòng chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

  1. Khoa Dược

– Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc men, vật tư, sinh phẩm, hoá chất, khẩu trang N95, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ chuyên dụng sẵn sàng phục vụ cho công tác khám, điều trị, phòng chống dịch bệnh.

  1. Khoa Nội 2

– Phối hợp với phòng KHTH, TCHC thiết lập khu vực điều trị cách ly.

– Trực tiếp thu nhận bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân mắc để quản lý, điều trị, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

  1. Khoa Hồi sức cấp cứu

– Phối hợp với khoa Nội 2 chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân mắc. Sẵn sàng chi viện máy thở cho khoa Nội 2 khi có yêu cầu.

  1. Khoa Khám bệnh

– Cử nhân viên phân luồng bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ đến khám tại phòng khám chuyên biệt ( Phòng khám số 5)

– Bố trí các phòng khám, khu vực ngồi chờ đảm bảo thoáng, thông khí môi trường tốt…

– Khuyến cáo bệnh nhân và người nhà vể các biện pháp phòng dịch, tăng cường đeo khẩu trang y tế…

  1. Ban chỉ huy quân sự bệnh viện

– Tham mưu cho Ban giám đốc kiện toàn đội cấp cứu lưu động, đội chống dịch lưu động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên.

– Phối hợp với phòng KHTH tổ chức huấn luyện các kỹ năng và phương án khi có tình huống sảy ra.

  1. Phòng Tài vụ

– Chuẩn bị đầy đủ kinh phí phục vụ cho công tác khám, chẩn đoán, điều trị và phòng chống dịch bệnh.

– Chi trả đầy đủ phụ cấp cho các các cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị và phòng chống dichjtheo quy định hiện hành.

  1. Các khoa, phòng khác trong bệnh viện

– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch phòng chống dịch bệnh của bệnh viện để triển khai thực hiện khi có tình huống sảy ra.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Bệnh viện lao và Bệnh phổi yêu cầu các khoa, phòng khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về phòng KHTH (thường trực) để phối hợp tìm biện pháp giải quyết./.

GIÁM ĐỐC

Nguyễn Trường Giang